Lịch sử xung đột Sư tử tấn công người

Những con sư tử ăn thịt người nổi tiếng

Sư tử Tsavo

Hai kẻ ăn thịt người Tsavo ở bảo tàng Field tại Chicago, Hoa Kỳ.
Con sư tử đầu tiên bị giết bởi Patterson, còn có tên là FMNH 23970
Con sư tử thứ hai, FMNH 23969

Đây có lẽ là vụ sư tử tấn công người nổi tiếng nhất trong lịch sử. Năm 1898, một đội công nhân đến vùng Tsavo để xây dựng một cây cầu đường sắt bắc ngang qua sông TsavoKenya, theo dự án của chính quyền thuộc địa Anh.[13] Để tiện cho công việc xây dựng và đảm bảo sức khỏe làm việc, các công nhân dựng lều ngủ ở ngay gần công trường.[14]:18,26 Trong suốt chín tháng, các công nhân xây dựng tuyến đường sắt này liên tiếp trở thành mục tiêu săn đuổi của hai con sư tử đực mà sau này người ta mới biết rằng chúng là hai anh em. Những con sư tử này được mô tả rằng rất to lớn nhưng không có bờm, được đặt tên là "The Ghost" (Bóng ma) và "The Darkness" (Bóng tối). Chúng dài độ hơn 3m, lớn hơn cả những con sư tử thường ở Tsavo. Đêm đến, chúng mò tới lều của những người công nhân xây dựng, kéo họ đến những bụi cây xa xa và thực hiện "một bữa ăn thịnh soạn". Nhưng một thời gian sau, hai con sư tử này trở nên bạo dạn hơn và không còn sợ người. Chúng không còn lén ăn thịt nạn nhân từ các bụi rậm mà tiến hành ngay tại khu vực cách lều chỉ một vài ba mét.[14]:30–34 Những người bản địa bắt đầu tin rằng những con sư tử này thực sự là ác quỷ được gửi đến từ địa ngục để ngăn cản người Anh xâm lược vùng đất của họ. Người Đông Phi cũng tin rằng sự xuất hiện của đôi sư tử Tsavo là sự tái sinh của những vị vua đã khuất để giúp họ chống ngoại xâm. Khi con số nạn nhân đã lên tới hàng trăm, nhiều người công nhân bắt đầu sợ hãi và bỏ chạy khỏi công trường xây dựng. Cuối cùng, việc xây dựng tuyến đường sắt buộc phải dừng lại bởi không ai muốn trở thành nạn nhân tiếp theo của hai "con quỷ" trên. Theo một số tài liệu ghi lại, trong khoảng thời gian chín tháng năm 1898, hai con sư tử đã giết chết 135 người.

Kỹ sư đường sắt John Henry Patterson, khi ấy là một chỉ huy công trường, đã nhận trách nhiệm truy lùng và giết chết hai con sư tử hung ác ấy. Tháng 12 năm ấy, sau khi bỏ nhiều công sức truy lùng, dùng mồi nhử, ông John đã bắn chết được hai con vật rồi đem bán xác của chúng cho Bảo tàng Field ở Chicago với giá 5.000 USD. Trước đây, người ta cho rằng sự đói khát đến cùng cực của đôi sư tử này đã khiến chúng ăn thịt người. Tuy nhiên, một phân tích về hài cốt của hai con vật đã cung cấp cái nhìn mới về nguyên nhân khiến sư tử Tsavo giết và ăn thịt người. Theo đó, nguyên nhân nằm ở chính bộ hàm bị tổn thương của chúng. Các chuyên gia ghi nhận một trong hai cá thể sư tử Tsavo bị thiếu ba chiếc răng cửa hàm dưới, gãy một chiếc răng nanh, và một ổ áp xe lớn ở mô bao quanh chân răng. Cá thể còn lại cũng bị tổn thương ở miệng, với một chiếc hàm trên bị nứt. Chứng đau răng này khiến việc săn bắt con mồi tự nhiên trở nên khó khăn nên chúng buộc phải săn người để sinh tồn.

Sư tử Charlie

Vào năm 1909, con sư tử trắng Charlie đã trở thành tâm điểm khi có chứng cứ tố cáo nó ăn thịt người. Cùng với hai con sư tử đực khác, chúng tấn công theo nhóm vào một vài làng ở châu Phi và giết chết khoảng 90 người. Nó gần như bất khả chiến bại vì có thể tránh bẫy của các thợ săn một cách khéo léo. Cuối cùng, con sư tử này đã bị hạ bởi một khẩu sung lục.

Sư tử Njombe

Ngay cả trong điều kiện nuôi nhốt thì sư tử vẫn không mất đi tập tính hoang dã và hung dữ. Đã có không ít những vụ sư tử tấn công và thậm chí giết chết người trong các vườn thú.

Một sự việc kinh hoàng liên quan đến hành vi săn người của sư tử xảy ra vào khoảng những năm 1932-1947 tại vùng Njombe thuộc miền nam Tanzania. Để không bị chết đói thì một đàn sư tử gồm 15 con đã gây ra cái chết của hàng nghìn người. Không một ai biết câu chuyện này bắt đầu từ đâu, nhưng có thể là một con sư tử già không còn săn được thú đã lựa chọn con người làm mục tiêu dễ dàng. Cách đi săn này được truyền lại cho thế hệ sư tử khác trong đàn. Dần dần, cả đàn sư tử đều biết đi săn con người.

Người dân bị tấn công giữa ban ngày và cả ban đêm. Những con sư tử còn được cho là đã có chiến thuật săn bắt người một cách rõ ràng, dụ họ ra khỏi nhà và tấn công khi họ di chuyển đơn độc. Sư tử con cũng học được cách đi săn như vậy từ bố mẹ chúng, cho thấy hành vi này được truyền lại qua nhiều thế hệ. Những nạn nhân bị kéo vào các bụi cây để ăn và giấu khỏi những loài săn mồi khác.

Thợ săn George Gilman Rushby cuối cùng đã tiêu diệt cả đàn sư tử này năm 1947, trải qua ba thế hệ được cho là đã giết và ăn thịt từ 1.500 đến 2.000 người ở quận Njombe. Ông khởi đầu bằng việc thuê sáu người khỏe mạnh đặt bẫy dụ sư tử nhưng trong suốt sáu tháng không một con sư tử nào mắc bẫy, nên phải tự tìm dấu vết của đàn sư tử ăn thịt người, đi theo chúng dựa vào dấu chân. Nhưng điều này không hề dễ dàng vì đàn sư tử ăn thịt người không hoạt động giống những con sư tử bình thường; chúng tấn công, ăn thịt người và rời đi xa hàng km ngay trong đêm. Mỗi khi nhận được thông tin về người bị sát hại, Rushby ngay lập tức có mặt để lần theo dấu sư tử. Hai tiếng sau khi truy đuổi, Rushby lần đầu phát hiện được bốn con sư tử ăn thịt người đi cùng nhau và bắn chết được một con. Trong những ngày sau đó, Rushby và hai cộng sự đã săn thêm được ba con sư tử ăn thịt người. Đó cũng là lúc Rushby cùng gia đình được phép quay trở về Anh để nghỉ ngơi. Ông đã giao nhiệm vụ săn lùng đàn sư tử này lại cho một nhà quan sát động vật hoang dã khác khi rời Tanzania.

Khi quay trở lại Njombe, Rushby rất buồn khi biết tin có thêm người bị sư tử ăn thịt. Nhưng điều tích cực là cư dân địa phương đã không còn sợ hãi sư tử và biết đứng lên chiến đấu chống lại thú dữ. Đây là một bước tiến quan trọng bởi chỉ một năm trước đó, họ còn không dám động đến đàn sư tử ăn thịt người. Đến tháng 5 năm 1947, tần suất sư tử tấn công người giảm mạnh sau khi 10 con sư tử bị giết chết. Rushby cùng cư dân địa phương săn thêm được năm con sư tử nữa, nâng tổng số sư tử ăn thịt người bị tiêu diệt lên con số 15. Kể từ đó, không một người dân Njombe nào bị sư tử ăn thịt nữa.

Sư tử Mfuwe

Kẻ ăn thịt người Mfuwe ở bảo tàng Field, Chicago.

Con sư tử ở Mfuwe dài 10 ft đã làm kinh hãi người dân Zambia năm 1991. Sau khi giết người lần thứ sáu, con sư tử này đi vênh váo vào giữa phố, miệng ngậm túi giặt ủi của nạn nhân, thách thức bất kỳ ai dám đối mặt với nó. Một thợ săn đến từ California chờ đợi trong 20 đêm trước khi bắn gục nó. Xác con sư tử này hiện cũng được trưng bày trong bảo tàng Field ở Chicago.

Sư tử Osama

Từng gây chấn động trong giai đoạn 2002-2004 ở Tanzania, người ta cho rằng một con sư tử tên Osama và đôi khi cùng đồng loại đã gây ra cái chết của hơn 50 người ở tám làng khác nhau. Cuối cùng, nó đã bị giết vào tháng 4 năm 2004. Người ta tin rằng thói quen ăn thịt người của nó đến từ con sư tử mẹ.

Những vụ việc gần đây

  • Ngày 16 tháng 6 năm 2016, chính quyền bang Gujarat của Ấn Độ đã bắt ba con sư tử sau khi gây ra hàng loạt vụ tấn công khiến ba người thiệt mạng ở gần công viên bảo tồn Gir. Ba nạn nhân gồm một cậu bé 14 tuổi, một người phụ nữ 50 tuổi và một người đàn ông 61 tuổi đã thiệt mạng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5. Trong phân của một con sư tử đực và hai con cái có chứa thịt người. Con sư tử đực sẽ bị đưa tới sở thú, trong khi hai con cái vẫn bị giam giữ ở trung tâm cứu hộ động vật. Được biết dường như chỉ có con đực là tấn công và giết người, còn hai con cái chỉ ăn xác. Ba con sư tử này sẽ bị giam giữ trong lồng suốt đời để tránh tiếp tục tấn công người.[15]
  • Ngày 7 tháng 8 năm 2017, hai con sư tử đã tấn công và giết chết một người chăn thả gia súc tại vườn quốc gia Nairobi, Kenya lúc hai giờ sáng, đồng thời cũng tấn công một số người đi cùng nạn nhân. Bảo vệ công viên sau đó giải cứu được bảy người trong khi thanh niên 18 tuổi do chạy không kịp nên bị giết chết và ăn thịt.[16]
  • Ngày 10 tháng 2 năm 2018, một người đàn ông được cho là một tên săn trộm đã bị bầy sư tử tấn công và ăn thịt ở Nam Phi. Phần còn lại của thi thể nạn nhân được phát hiện tại một bụi cây gần Vườn quốc gia Kruger ở tỉnh Limpopo. Bầy sư tử đã ăn gần hết cơ thể của anh ta, chỉ để lại phần đầu và một phần xương. Một khẩu súng săn của nạn nhân cũng được tìm thấy tại hiện trường.[17]
  • Ngày 2 tháng 5 năm 2018, chủ khu bảo tồn thú ăn thịt Marakele, Nam Phi tên Mike Hodge bị con sư tử được ông nuôi từ nhỏ tấn công khi bước vào chuồng của nó để thị sát. Con vật đã kéo lê ông vào bụi rậm trước khi ngay lập tức bị bắn hạ để đảm bảo an toàn. Nạn nhân thoát chết nhưng bị thương nặng ở cổ và hàm.[18]
  • Ngày 2 tháng 7 năm 2018, một đàn sư tử đói mồi ở khu bảo tồn Sibuya Game Reserve vô tình cứu nguy cho những con tê giác khi tấn công nhóm thợ săn đang trang bị rìu và súng để đột nhập bất hợp pháp, tất cả trang bị đều phục vụ mục đích giết tê giác và cưa sừng. Chúng vồ và giết chết ba thợ săn trộm, để lại các bộ phận cơ thể bị ăn một phần.[19]
  • Ngàt 30 tháng 12 năm 2018, vườn thú động vật hoang dã bang Bắc Carolina, Mỹ cho biết một con sư tử đã tấn công và làm chết một nữ nhân viên vừa mới bắt đầu làm việc tại trung tâm trên. Vụ việc xảy ra khi các nhân viên vườn thú đang tiến hành dọn dẹp tại một khu đất có hàng rào bảo vệ như thường lệ. Một con sư tử đã sổng chuồng và đi vào khu vực những nhân viên trên đang làm việc và giết một người trong số họ.
  • Ngày 2 tháng 4 năm 2019, một người đàn ông đi săn trộm tê giác trong vườn quốc gia Kruger, Nam Phi bị voi đè tới chết trước khi bị đàn sư tử đói ăn mất xác. Trước đó, ba người bạn đi cùng đã bỏ chạy khi nạn nhân bị voi đè. Họ gọi điện báo cho gia đình người này và ban quản lý vườn quốc gia tiến hành tìm kiếm thi thể nạn nhân trong suốt hai ngày. Các dấu vết ở hiện trường cho thấy một đàn sư tử đã ăn hết xác nạn nhân, chỉ chừa lại hộp sọ và chiếc quần.[20]
  • Ngày 20 tháng 8 năm 2019, chủ khu bảo tồn ở Mahala View Lion Lodge tại Cullinan, phía tây Nam Phi, tên Leon van Biljon, 70 tuổi đã bị những con sư tử do chính mình nuôi nhốt nhiều năm tấn công khi sửa chuồng. Những con này đã bị bắn hạ để giải cứu cho nạn nhân nhưng ông đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng.[21]
  • Ngày 6 tháng 2 năm 2020, một nữ nhân viên 21 tuổi đã thiệt mạng do sư tử tấn công trong lúc làm việc tại khu bảo tồn tư nhân Bela-Bela ở tỉnh Limpopo. Cô ta đã cố gắng thoát khỏi chuồng sư tử và hét lên để cầu cứu cũng như cảnh báo những nhân viên khác về cuộc tấn công, trước khi ngã gục trước cánh cổng bởi những vết thương nặng trên cơ thể. Các nhân viên y tế khẩn trương có mặt nhưng cô gái trẻ đã tử vong tại hiện trường. Nạn nhân thiệt mạng do các vết thương sâu gây ra bởi hàm răng và móng vuốt sắc nhọn của đàn sư tử.[22]
  • Ngày 29 tháng 5 năm 2020, một nữ nhân viên dọn dẹp chuồng sư tử bị thương nặng sau khi bị sư tử tấn công tại sở thú Shoalhaven ở New South Wales, Úc. Vụ việc xảy ra khi nữ công nhân 35 tuổi đang dọn dẹp chuồng cho 2 con sư tử thì bị chúng lao vào tấn công, gây ra vết thương nghiêm trọng trên đầu và cổ. Người phụ nữ sau đó được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch nhưng tình trạng sau đó đã ổn định.
  • Ngày 29 tháng 8 năm 2020, chuyên gia bảo tồn nổi tiếng West Mathewson bị hai con sư tử cái do ông giải cứu và nuôi dưỡng từ nhỏ bất ngờ tấn công tới chết khi mở cửa chuồng để dẫn hai con vật đi dạo buổi sáng. Được biết hai con sư tử không tìm cách ăn thịt Mathewson mà chỉ là hậu quả do nô đùa quá mạnh bạo với chủ.[23]
  • Ngày 5 tháng 11 năm 2020, một nhân viên sở thú bị cắn nát tay khi đang cho sư tử ăn trước mặt du khách tại vườn thú Karachi ở Karachi, Pakistan. Nhân viên này đang ném thịt sống vào chuồng thì bị sư tử đực tấn công, cắn vào cánh tay của anh ta qua song sắt. Sau khi con vật nhả nhân viên này ra, anh ta nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Dân sự Karachi, tình trạng sau đó đã ổn định.
  • Ngày 6 tháng 3 năm 2021, một chuyên gia theo dõi động vật hoang dã tên Malibongwe Mfila đã thiệt mạng sau khi bị hai con sư tử tấn công tại vườn quốc gia Marakele, Nam Phi.[24] Lúc theo dõi đàn voi và sư tử để tư vấn cho hướng dẫn viên về kế hoạch tham quan khu bảo tồn, người này bất ngờ bị hai con sư tử đực trẻ tuổi phục kích giết chết. Một người khác đang lái xe trong vườn quốc gia Marakele đã quan sát thấy vụ việc và báo cáo cho các nhà chức trách. Khi cảnh sát và nhân viên kiểm lâm có mặt tại hiện trường, hai con sư tử đang ngấu nghiến xác của nạn nhân và chúng đã bị bắn chết ngay lập tức.
  • Ngày 2 tháng 8 năm 2021, ba học sinh Trường Tiểu học Ngoile ở quận Ngorongoro, khu vực Arusha – Tanzania, đã bị sư tử vồ chết khi đang tìm kiếm gia súc thất lạc gần khu bảo tồn Ngorongoro.[25] Ngoài ra, sư tử cũng đã khiến một đứa trẻ khác bị thương nghiêm trọng. Hiệu trưởng trường tiểu học Ngoile chia sẻ rằng cả ba học sinh thiệt mạng đến từ một gia đình. Trước khi bị sư tử vồ chết, hai trong số bốn học sinh nêu trên được cho là cố leo lên cây để thoát thân.
  • Ngày 28 tháng 8 năm 2022, một người đàn ông thiệt mạng do bị sư tử tấn công trong vườn thú thủ đô Accra của Ghana, khi người này vượt qua hàng rào an ninh và đi vào khu vực nguy hiểm. Người đàn ông ban đầu bị thương do bị một trong những con sư tử bên trong khu vực rào chắn tấn công, nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sư tử tấn công người http://www.dnaindia.com/india/report-man-eater-lio... http://books.google.com/books?id=PjfVFGM4p6wC&pg=P... http://books.google.com/books?id=szBm5kPeC-cC&pg=P... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16107828 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21799812 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3140494 http://www.man-eater.info/gpage6.html //doi.org/10.1038%2F436927a //doi.org/10.1371%2Fjournal.pone.0022285 //doi.org/10.1644%2F1545-1542(2003)084%3C0190:TBAD...